Đĩa than Vicky Leandros (Après Toi), Vicky Leandros LP

Home/ĐĨA THAN NHẠC POP/Đĩa than Vicky Leandros (Après Toi), Vicky Leandros LP

Đĩa than Vicky Leandros (Après Toi), Vicky Leandros LP

600,000 

Nhãn đĩa:  Philips
Kích thước  12″
Tốc độ  33 RPM
Số lượng  1 LP
Tình trạng  Rất tốt

Description

Đĩa than Vicky Leandros ‎– Vicky Leandros

Vicky Leandros LP ‎– Vicky Leandros

 

Tracklist

A1        Alles Was Ich Hab’ (La Poupée, Le Prince Et La Maison)     3:11

A2        Leb Dein Leben (Lay Down)   3:58

A3        Hey, Joe McKenzie    3:04

A4        Love    2:48

A5        Ich Will Frei Sein Wie Der Wind         3:12

A6        Wie Konnt’ Ich Wissen            3:42

B1        Ich Hab’ Die Liebe Geseh’n (Un Fiume Amaro – Kaymos)    4:27

B2        Dann Kamst Du (Après Toi)   3:31

B3        Ich Lebe Heut’ 4:28

B4        Augen Wie Feuer        3:14

B5        Der Sommer Für Uns Beide   2:50

B6        Der Zahn Unserer Zeit            2:29

Giới thiệu về ca sĩ Vicky Leandros

Nhắc tới tên tuổi của Vicky Leandros, khán thính giả Việt Nam nghĩ đến ngay nhạc phẩm Après Toi, phiên bản tiếng Việt Nam là Vắng bóng người yêu. Tình khúc này đã giúp cho Vicky Leandros nổi tiếng khắp thế giới, sau khi cô đoạt giải thưởng ca nhạc truyền hình châu Âu Eurovision vào năm 1972, tức cách đây đúng 40 năm.

Có một điều mà ít ai được biết là trước khi thành danh nhờ ca khúc Après Toi, Vicky Leandros đã là một ca sĩ chuyên nghiệp có hơn 5 năm tay nghề. Sự kiện cô ca sĩ người gốc Hy Lạp đoạt giải Eurovision năm 1972 không phải là tình cờ ngẫu nhiên, mà lại nằm trong một kế hoạch đã được tính toán chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tên thật là Vassiliki Papathanasiou, Vicky Leandros sinh năm 1949 tại đảo Corfu, xuất thân từ một gia đình có dòng máu nghệ sĩ : thân phụ là nhà sản xuất âm nhạc kiêm tác giả Leandros Papathanassiou, còn thân mẫu là Kyriaki Protapapa, một họa sĩ nổi tiếng ở Hy Lạp. Vào năm 9 tuổi, cô bé Vicky theo song thân sang Đức (Hamburg) sinh sống.

Đây là giai đoạn mà thân phụ của cô thành công nhờ sản xuất nhiều ca khúc ăn khách trên thị trường Đức. Theo sự hướng dẫn của ông, Vicky ghi âm những ca khúc đầu tay vào năm 1965 (tức 7 năm trước khi cô về đầu giải Eurovision). Trong những bước đầu lập nghiệp, Vicky lấy tên cha (Leandros) làm nghệ danh, cô thường hay hát các sáng tác của thân phụ, cũng như những bản cover (ghi âm lại) của những bài hát thịnh hành, ăn khách thời bấy giờ.

Năm 1967, Vicky Leandros lần đầu tiên tham gia giải Eurovision tổ chức tại Vienna thủ đô nước Áo. Vào lúc đó, cô đại diện cho Luxembourg với nhạc phẩm L’amour est bleu (tiếng Anh là Love is Blue, phiên bản tiếng Việt là Tình Xanh do Ngọc Lan trình bày) của nhạc sĩ người Pháp André Charles Popp. Tuy bài hát chỉ đứng hạng tư, nhưng nó lại giúp cho sự nghiệp của Vicky Leandros cất cánh trên thị trường quốc tế. Bản nhạc chiếm hạng đầu thị trường châu Âu, Canada, Nhật Bản, Nam Phi và nhờ vào phiên bản hòa tấu của nhạc sĩ Paul Mauriat, giành luôn được ngôi vị quán quân thị trường Hoa Kỳ.

Trong vòng 4 năm liền từ năm 1967 đến 1971, sự nghiệp của Vicky Leandros không ngừng đi lên. Nhờ chất giọng khỏe khoắn, làn hơi đầy dặn, Vicky giúp phổ biến nhạc phẩm Mamy Blue (của Nicoletta) trong tiếng Anh, Le Lac Majeur (của Mort Shuman) trong tiếng Ý cũng như bài Scarborough Fair (ăn khách nhờ ban song ca Simon & Garfunkel) trong tiếng Đức. Ngoài các ngôn ngữ này, Vicky còn ghi âm bằng tiếng Pháp, tiếng Nhật, Hy Lạp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào đầu những năm 1970, tức là hai năm trước bài Après Toi, Vicky Leandros đã là một ngôi sao sáng chói trên vòm trời châu Âu, nhất là tại các nước nằm trong tầm ảnh hưởng của văn hóa Đức. Vào năm 1972, Vicky lúc đó mới 23 tuổi tham gia tranh giải thưởng ca nhạc truyền hình châu Âu Eurovision lần thứ nhì.

Lần này, cô vẫn đại diện cho Luxembourg và chọn đi thi với nhạc phẩm Après Toi, một sáng tác của người cha ruột. Dựa vào bí quyết thành công 5 năm trước của bài Tình Xanh (Love is Blue), nhà sản xuất Leandros Papathanassiou soạn bài hát Après Toi như một khúc nhạc giao hưởng, giao phần hòa âm cho nhạc sư Klaus Munro, một gương mặt nổi tiếng của nhạc viện thành phố Hamburg.

Tất cả đều được tính toán kỹ càng để tạo cơ hội cho Vicky Leandros đoạt giải nhất. Kết quả là nhạc phẩm Après Toi đứng đầu bảng xếp hạng cuộc tranh tài. Tình khúc Après Toi sau đó chính thức được phát hành bằng 7 thứ tiếng (tất cả đều do Vicky ghi âm). Nhờ phiên bản tiếng Anh mà Vicky Leandros lần đầu tiên chiếm hạng đầu thị trường Anh Mỹ. (Phiên bản tiếng Việt Vắng bóng người yêu là do ca sĩ Thanh Lan trình bày). Theo tạp chí chuyên nghiệp Billboard, Record Mirror tại Anh và Musikmarkt tại Đức : ca sĩ có nhiều đĩa bán chạy nhất vào năm 1972 là Vicky Leandros.

Từ năm 1972 trở đi, Vicky Leandros liên tục thành công trong hơn một thập niên liền. Sau các nước nói tiếng Đức và tiếng Pháp, cô chuyển qua chinh phục thị trường các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Năm 1978, cô thành công với vòng lưu diễn Nam Mỹ và đứng đầu thị trường số bán với tuyển tập bao gồm ca khúc ăn khách của mình chuyển dịch sang tiếng Tây Ban Nha, chẳng hạn như Adios Amor hay là Venecia En Septiembre.

Sự thành công của Vicky Leandros trên thị trường quốc tế có lẽ sẽ cao hơn gấp bội nếu như cô không gặp bất đồng tranh chấp với hãng đĩa nhà. Vào năm 1975, Vicky dọn nhà về Paris để sinh sống. Vào thời đó, hợp đồng giữa cô với công ty Philips hết hạn, cho nên Vicky mới ký kết một hợp đồng béo bở, trị giá nhiều triệu đô la với hãng đĩa CBS, chi nhánh của tập đoàn Mỹ Columbia Records.

 

Tuần trăng mật giữa cô ca sĩ trẻ tuổi với hãng đĩa mới không kéo dài được bao lâu : công ty Mỹ muốn Vicky Leandros chuyển đến Hoa Kỳ để khuếch trương sự nghiệp, trong khi Vicky thì muốn ở lại châu Âu vì lý do gia đình. Nhưng mối bất đồng lớn nhất vẫn là công ty này muốn Vicky chuyển sang hát nhạc kích động vào thời kỳ cực thịnh của dòng nhạc disco, điều mà Vicky Leandros khăng khăng từ chối. Sự đối đầu giữa hai bên kéo dài trong vòng nhiều năm, dẫn đến kiện tụng tranh chấp để rồi đoạn tuyệt vào năm 1979. Điều đó phần nào giải thích vì sao các album của Vicky không được phát hành trên thị trường Bắc Mỹ, cho dù trước đó Vicky đã từng lọt vào Top Ten Hoa Kỳ (nhờ vào hai ca khúc Love is Blue, 1967 và Come What May, 1972).

Tuy vẫn tiếp tục thành công tại châu Âu, điển hình là tập nhạc À l’est d’Eden, nhưng sự nghiệp của Vicky Leandros có dấu hiệu khựng lại từ giữa 1985 trở đi. Quá mệt mỏi chán nản, cô nghỉ hát trong vòng 10 năm (từ năm 1986 đến 1995), thời gian để lập gia đình và sinh con. Mãi đến năm 1998, Vicky mới xuất hiện trở lại dưới ánh đèn sân khấu, thành công nhờ đặt lời tiếng Đức (Weil Mein Herz Dich Nie Mehr Vergisst) cho ca khúc chủ đề của bộ phim Titanic (My heart will go on). Vào năm 2000, cô đoạt trong hai năm liền giải thưởng dành cho nghệ sĩ hát tiếng Đức xuất sắc nhất.

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, từ 2002 đến 2012, Vicky vẫn tiếp tục ghi âm và chuyển qua sáng tác thay vì hát ca khúc của người khác. Càng lớn tuổi, Vicky càng thích tìm lại cội nguồn. Hai tuyển tập mà Vicky cho phát hành vào năm 2003 và 2009 bao gồm nhiều bản dân ca Hy Lạp, một thể loại mà cô thích từ khi còn nhỏ nhưng phải đợi cho đến bây giờ, khi có đủ tuổi đời và kinh nghiệm dày dặn từng trải, thì mới có thể diễn đạt nổi. Về điểm này, nhà thơ kiêm tác giả Mikis Theodorakis cho rằng Vicky Leandros nằm trong số ba ca sĩ chuyển tải truyền đạt thấu đáo nhất các bài thơ phổ nhạc của ông.

Tuy giờ đây các album của Vicky Leandros không còn được phát hành và phổ biến rộng rãi như xưa, nhưng cô cho biết mình khá an phận với cuộc sống hiện tại. Bởi vì khi xưa, vào cái thời mà cô ở trên tột đỉnh danh vọng, Vicky Leandros không được sống gần gũi với gia đình, châu lục nào cô cũng đã từng đi qua nhưng không thật sự dừng chân lại để tận hưởng vẻ đẹp. Kiếp sống nghệ sĩ lang thang, nay đây mai đó, một nửa thời gian dành cho sân khấu, phần lớn còn lại là ở trong khách sạn hay ở trên máy bay. Nhưng với năm tháng, các giai điệu của cô vẫn đọng lại trong lòng người mến mộ, không nhỏ giọt mà mạch nước vẫn thấm sâu, không chắp cánh mà nốt nhạc vẫn bay cao.

www.diathan.com

Go to Top