Nhãn đĩa: Đĩa HÁT HỒNG HOA, K.D. 1303-4-7-60
Thể loại : cải lương
Kích thước: 10 inch
Tốc độ: 33 tour
Số lượng: 2 lp
Chất lượng : Rất tốt (VG)
Phát hành : 1960
Sản xuất : Sài Gòn – Việt Nam
1 ₫
Nhãn đĩa: Đĩa HÁT HỒNG HOA, K.D. 1303-4-7-60
Thể loại : cải lương
Kích thước: 10 inch
Tốc độ: 33 tour
Số lượng: 2 lp
Chất lượng : Rất tốt (VG)
Phát hành : 1960
Sản xuất : Sài Gòn – Việt Nam
Bộ đĩa nhựa 2 đĩa Nửa đời hương phấn vẫn còn tốt
Vỏ đĩa vẫn rõ nét, do lâu ngày nên có chút sờn, tróc ở bìa, mọi nội dung còn rõ, bìa in màu vẫn tươi sắc qua nhiều năm (1960-2020)
Đĩa có những vết xước nhỏ, nhưng âm thanh nghe vẫn rõ ràng, chất lượng rất tốt, có mẻ chút mép ngoài nhưng không ảnh hưởng vào trong rãnh hát.
215, ĐẠI LỘ KHỔNG TỬ, CHỢ LỚN
Vở cải lương kinh điển Nửa đời Hương Phấn của hai soạn giả lừng lẫy Hà Triều – Hoa Phượng ra đời vào cuối thập niên 1950 tại Sài Gòn, gánh hát Thanh Minh đã rất thành công khi dàn dựng, tạo tiếng vang lẫy lừng. Đầu tiên vai Hương do sầu nữ Út Bạch Lan đảm trách, nghệ sĩ Hữu Phước vai Tùng, Ngọc Nuôi vai Diệu.
Ngay từ những ngày công diễn đầu tiên trên sân khấu Thanh Minh đã tạo được tiếng vang cho đoàn hát này. Chỉ những nghệ sĩ gạo cội, giàu kinh nghiệm, diễn tâm lý giỏi mới được tin tưởng giao thử sức lại vai Hương oằn nặng tâm trạng một cô gái buôn hương mà tự trọng, hiếu đạo, giàu đức hi sinh, luôn gặp nghịch cảnh trong cuộc đời.
Sau Út Bạch Lan, trên sân khấu Thanh Minh-Thanh Nga, nghệ sĩ Thanh Nga vào vai Hương rất thành công, vai diễn của bà đã trở thành hình mẫu. Thanh Nga sánh vai cùng Hữu Phước, Thành Được, Bạch Tuyết… trong vở này.
Vở cải lương “Nửa đời hương phấn” của hai cố soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng hơn nửa thế kỷ qua vẫn được người mộ điệu trọn lòng yêu mến. Đến độ, nhiều người thuộc làu từng bản ca, lớp diễn, tình tiết nhưng vẫn coi, và vẫn thấy hay. Tuy nhiên, vở diễn “Nửa đời hương phấn” vẫn còn những câu chuyện “bên lề” khá thú vị.
Vở cải lương là chuyện buồn của The, lên thành phố tìm việc làm nuôi gia đình nhưng bị dụ dỗ, sa vào nghề “buôn phấn bán hương” với cái tên Hương. The có mối tình với chàng trai tên Tùng nhưng bị anh trai của Tùng là Hai Cang ngăn trở. Trớ trêu, Tùng sau này cưới Diệu mà không biết cô là em gái của Hương. Buồn đời, Hương quy y cửa Phật. Sau khi biết được những ẩn ức của Hương, Tùng cùng vợ và mẹ đến chùa khuyên Hương hoàn tục. Bỏ qua mọi lời khẩn cầu, Hương quyết tìm quên “nửa đời hương phấn” trong chiếc áo nâu sòng cùng những lời tụng niệm- “Nửa đời hương phấn hư hao. Nửa đời còn lại gửi vào thiền môn”.
Ra đời vào cuối thập niên 1950, “Nửa đời hương phấn” đã tạo nên cơn sốt cho đoàn Thanh Minh- Thanh Nga. Vai The (Hương) dành cho những ngôi sao sáng như Út Bạch Lan, Thanh Nga rồi sau này là Phượng Liên, Bạch Tuyết Bởi để thể hiện một cô gái làm nghề kỹ nữ nhưng giàu lòng tự trọng, hiếu thảo và nếm trải cay đắng mùi đời là điều không phải dễ. Một vai diễn khác cũng đắt giá là Tùng- người yêu và cũng là em rể của Hương. Những kép đẹp, diễn mùi từng đảm trách vai này là Thanh Sang, Hữu Phước, Hùng Cường. Đặc biệt, vai Diệu trong “Nửa đời hương phấn” đã giúp nghệ sĩ Lệ Thủy đoạt giải Thanh Tâm danh giá vào năm 1964, khi bà mới tròn 16 tuổi.
Từ một vở cải lương hay, các nghệ sĩ đã chuyển thể ra nhiều loại hình nghệ thuật khác. Năm 1961, vở được chuyển thể thành phim điện ảnh với tên gọi “Bẽ bàng”. Đây là những thước phim đen trắng 16 ly của đạo diễn Thái Thúc Nha. “Kỳ nữ” Kim Cương được chọn vào vai Hương bên cạnh các diễn viên khác như Lan Anh vai Diệu, La Thoại Tân vai Tùng, Ngọc Phu vai Cang Báo chí thời này thuật lại, nghệ sĩ Kim Cương vốn gắn với những vai diễn phụ nữ chịu khổ hạnh, tủi cực nên vào vai Hương rất đạt, lấy nước mắt khán giả. Tài tử La Thoại Tân thì thu hút bởi vẻ đẹp trai, diễn tốt. Vai Diệu của nghệ sĩ Lan Anh tuy chưa tròn nhưng bù lại khán giả mến cô vì nhan sắc “sáng sân khấu”. Vở diễn đã từng nhiều lần được chuyển thể sang thoại kịch. Gần nhất, năm 2015, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh dàn dựng trên sân khấu kịch với sự tham gia của các nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Ngọc Ánh và cũng rất ăn khách.
Ở khía cạnh văn hóa, vở “Nửa đời hương phấn” chinh phục người xem bởi sự gần gũi, dân dã nhưng đậm chất văn học trong câu từ của từng nhân vật. Ví như đoạn ông bà Sáu- cha mẹ cô The đối đáp: “Lóng rày tôi ăn cau khô không chứ có ăn cau tươi đâu mà dao với kéo. Ông muốn làm gì ra sau bếp lấy con dao phay ở trỏng kìa”- “Chuốt viết chì chứ bộ thọc huyết heo sao lấy dao phay?”. Hay đoạn ông Sáu đứt ruột mắng con: “Tại sao mày lên Sài Gòn mày có thêm cái tên Hương? Tên The ba má đặt cho con nó quê mùa xấu xí lắm phải không con? Mày liệng bỏ tên The chẳng khác nào mày liệng bỏ một quãng đời trong sạch của mày. Mày lượm cái tên Hương đẹp đẽ từ đâu đó để thay vào, mày dùng cái tên đẹp đẽ thơm tho kia để bắt đầu quãng đời xấu xa thúi nát”.
Lẽ thường, có chuyện soạn giả chuyển thể cải lương từ các tác phẩm văn học; song “Nửa đời hương phấn” thì ngược lại. Năm 1989, xúc cảm trước vở tuồng này, nhà văn Mặc Tuyền đã phóng tác thành tiểu thuyết cùng tên, do NXB Long An ấn hành, in đến 6.200 cuốn, nay trở thành “sách hiếm”. Rõ ràng, từ một câu chuyện sân khấu kịch tính, lấy nước mắt người xem nhưng hơn cả một vở tuồng, sức lan tỏa của “Nửa đời hương phấn” cho thấy tài hoa của bộ đôi tác giả Hà Triều- Hoa Phượng.
Trong cuốn tiểu thuyết “Nửa đời hương phấn” của tác giả Mặc Tuyền, phần cuối quyển sách có gần chục trang in lại bài viết “Tiếng gọi thầm” của cố soạn giả Kiên Giang- Hà Huy Hà, kể về “hậu đài” của vở tuồng nức tiếng này.
Cần nói thêm, nhà thơ Kiên Giang là soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh, rồi sau là Thanh Minh- Thanh Nga (thập niên 1950- 1960). Theo lời kể của soạn giả Kiên Giang, thời điểm đó xã hội Sài Gòn nổi lên một bộ phận người ăn chơi, xa hoa, trụy lạc; trong khi vùng nông thôn thì nghèo khổ, lầm than, dân quê sống không nổi. Bởi vậy, một số phụ nữ lên thành tìm kế sinh nhai, nuôi sống gia đình. Chốn thị thành ngàn muôn cạm bẫy, khiến không ít người sa chân, lầm đường lỡ bước. “Đủ hạng Tú bà và ma cô, ma cạo đã khai thác có bài bản cái kỹ nghệ mua bán thân xác những cô gái nạn nhân của chúng”- soạn giả Kiên Giang thuật lại. Xót xa cho những phận đời như thế, nhóm soạn giả thường trực (gồm 10 người) đã họp và gợi ý cho soạn giả viết các vở tuồng về đề tài này. Cuối cùng, “trọng trách” được giao cho bộ đôi soạn giả đang ăn khách là Hà Triều- Hoa Phượng. Mấy tháng sau, chuyện đời truân chuyên của cô Hương (The) được gửi gắm trong xấp kịch bản dày 60 trang, với tên gọi “Vợ tôi là đĩ”.
Theo lời kể cố soạn giả Kiên Giang, ông có quen một cô gái có tên giả là Lý Lệ Hằng. Ban ngày cô vẫn giữ vẻ gái quê thuần hậu, giỏi văn chương, nhưng ban đêm cô “hành nghề” trong một số khu biệt thự cao cấp. Ông đã quyết định cho cô Lệ Hằng xem kịch bản này; và chính cô đã khóc như mưa trên từng trang bản thảo vì “đọc trang nào cũng thấy mình trong đó”. Nhưng gấp quyển kịch bản, ngắm nhìn tựa vở “Vợ tôi là đĩ”, cô Lệ Hằng / ngập ngừng: “Tội nghiệp chúng em mà! Nhà văn, nhà thơ nỡ nào gọi chúng em là đĩ sao?…”. Cố soạn giả Kiên Giang thừa nhận: “Tiếng khóc uất nghẹn và câu hỏi của Hằng làm cho tôi bối rối, xót xa”.
Vậy rồi, sau một đêm trăn trở với tựa kịch bản, soạn giả Kiên Giang băn khoăn giữa “Nửa đời hoa” và “Nửa đời hương phấn” sau hàng chục cái tựa khác bị loại bỏ. Ông đem lại cho cô Lệ Hằng coi, cô mỉm cười: “Em sẽ làm lại phân nửa đời hoa còn lại, sau khi chấm dứt nửa đời hương phấn của em”. Hiểu ý, soạn giả Kiên Giang đã đặt tên cho kịch bản của Hà Triều- Hoa Phượng là “Nửa đời hương phấn”.
Soạn giả Kiên Giang kể thêm, ngay khi ra mắt, vở tuồng này đã chiếm kỷ lục về doanh thu và số khán giả tràn ngập trong nhiều năm. Bài ca và dĩa nhựa được phổ biến khắp từ thành thị tới thôn quê. Điều thú vị là rất nhiều cô gái bị ép làm kỹ nữ phải lén đi xem tuồng vì bọn ma cô và tú bà cấm cản. Lần gặp lại sau này, cô Lệ Hằng đã cám ơn soạn giả Kiên Giang và hai soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng vì đã cứu đời cô bằng một vở cải lương. Cô nói rằng, tình tiết vở giống hệt đời cô và vô vàn cô gái khác. “Em đã khóc nửa đời hương phấn của em trong nửa đời hương phấn trên sân khấu. Bây giờ em đã gạt nước mắt”- soạn giả Kiên Giang thuật lại lời nói của cô Lệ Hằng. Rồi ông cảm tác thành thơ:
“Nửa đời hương phấn còn hương
Khi em cất bước hoàn lương trở về
Tóc huyền giắt lại trâm thề
Gởi hương phấn lạt trả về lầu xanh”
(Kiên Giang)
Thế mới biết, cải lương thật sự hoán cải, hướng thiện hoàn lương những cuộc đời lầm lỡ bằng những câu chuyện thật gần gũi nhưng nhiều thâm ý…
Đăng Huỳnh – Báo Cần Thơ
Tên tuổi của 2 ông gắn liền nhau như một thể thống nhất trong các tuyệt phẩm cải lương không bao giờ phai mờ trong lòng khán giả mộ điệu và nghệ sĩ
Khác với các loại “tuồng tiên”, “kiếm hiệp kỳ tình” một thời khiến khán giả cải lương chán ngán, sự xuất hiện của cặp liên danh soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng đã làm nên những kiệt tác để đời.
Cho dù 2 ông đều đã “về trời” nhưng bút pháp tài hoa trong những tác phẩm mà 2 ông để lại cho sân khấu cải lương như: Khi hoa anh đào nở, Thái hậu Dương Vân Nga, Con gái chị Hằng, Mưa rừng, Tấm lòng của biển, Sông dài, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Mùa xuân trên non cao, Tần nương thất, Cô gái Đồ Long… không bao giờ phai mờ trong lòng khán giả mộ điệu và nghệ sĩ cải lương…
(theo NLĐ)
Trích lược sưu từ các website : Báo NLĐ, Báo Cần Thơ